Nhật Bản đón tết như thế nào?
Nhật Bản đón tết như thế nào?
Người Nhật đón tết từ ngày 1 tháng 1 dương lịch, không giống như các nước láng giềng ở châu Á khác, người Nhật đã chuyển từ Tết Âm lịch sang Dương lịch từ năm 1873 đến nay nhưng những phong tục tập quán đặc sắc vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Người Nhật gọi dịp này là “Oshogatsu”, như một sự kiện để vinh danh vị thần Toshigamisama.
1. Ngày 31/12 và Omisoka
Ngày 31/12 hay còn gọi là Omisoka. Có thể nói tháng 12 là tháng mà mọi người bận rộn để đón năm mới. Mọi người sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, mua sắm hàng Tết, chuẩn bị Osechi và trang trí cho ngôi nhà của mình.
2. Osouji – Đợt tổng vệ sinh
Người Nhật đón năm mới có tục lệ là Susuharai lau rửa nhà cửa để lau dọn đi những vết bẩn, vết nhơ của năm cũ và hy vọng nhà cửa sẽ gọn gàng, sạch sẽ hơn trong năm mới. Ở trường học vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ đông, học sinh cũng phải làm Osouji – tổng vệ sinh để trường sẵn sàng đón năm mới và hầu hết các công ty ở Nhật cũng dành ngày làm việc cuối cùng để dọn dẹp. Sở dĩ làm như vậy là vì họ tin rằng những thứ tươi mới, sạch sẽ mang lại sức khoẻ và may mắn.
3. Trang trí ngày Tết
Mọi người sẽ trang hoàng nhà cửa, tốt nhất là ngày 28 hoặc 30. Con số 29 trong tiếng Nhật phát âm gần giống với “Nijyu no kurushimi”, nghĩa là “Hai lần nỗi đau” và ngày 31 cận sát với ngày Tết sẽ rất thất lễ nên người Nhật thường tránh trang hoàng vào 2 ngày này.
Sau khi dọn dẹp xong, người Nhật sẽ trang trí Kadomatsu ở hai bên cửa nhà để đón may mắn. Kadomatsu là 3 ống tre tươi vát chéo cùng một vài cành thông. Theo quan niệm xa xưa thì hạnh phúc không thể chia được và cứ mãi mãi được duy trì và chỉ có nỗi bất hạnh mới chia được để chấm dứt nên số đoạn trên cành thông phải lẻ.
Mâm bánh dày – Mochi cùng một quả quýt Nhật với Mikan bên trên còn gọi là Kagamimochi. Đây là nơi các vị thần trú tại khi đến thăm nhà, được đặt ở nơi trang trọng và xinh đẹp nhất của ngôi nhà.
Shimekazari được trang trí ngay lối vào nhà và bàn thờ, nhằm thể hiện ngôi nhà là nơi linh thiêng và có tác dụng trừ tà.
Kadomatsu và Shimekazari được trang trí cho đến hết ngày mùng 7 tháng 1 và theo tục lệ, sau đó họ sẽ mang những thứ này đến chùa để đốt như hình thức hoá vàng của người Việt. Hiện nay, nhiều gia đình thường tự đốt ở nhà mình thay vì mang đến chùa.
4. Nengajo – Thiệp chúc Tết
Với Thiệp chúc Tết sẽ được chuẩn bị xong vào tháng 12. Trên những tấm bưu thiếp đó là hình vẽ 12 con giáp hoặc in ảnh gia đình cùng những lời nhắn nhủ đến người thân và những người đã giúp đỡ mình. Hiện nay, email và mạng xã hội đã trở thành xu hướng nên việc gửi bưu thiếp cũng giảm đi trông thấy. Với những gia đình có tang sẽ không nhận và không gửi tấm Nengajo nào trong vòng 1 năm, đây gọi là “Mochu”.
5. Ăn mỳ và đi lễ trong đêm tất niên
Ăn mì trường thọ – Toshikoshi Soba là một đặc trưng vào đêm Omisoka. Có nhà ăn mì trường thọ trong bữa tối nhưng cũng có nhà ăn sau khi dùng bữa tối với Sushi, cua hay lẩu Sukiyaki mới thưởng thức Toshikoshi Soba trong tiếng chuông giao thừa – Joya no Kane.
Vào đêm giao thừa, người Nhật sẽ ăn một bữa tối hoành tráng nhất trong năm, diễn ra vào khoảng 10h hay 11h đêm tại nhà, mọi người quay quần và cùng nhau ăn Toshikoshi Soba. Đây là phong tục truyền thống dựa trên liên tưởng về việc ăn những sợi mỳ dài có nghĩa “chuyển giao từ năm cũ sang năm mới”, đây cũng là ý nghĩa của từ Toshikoshi.
Cùng lúc đó, các ngôi chùa ở mỗi địa phương sẽ gióng lên 108 tiếng chuông thánh thót tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo cách nghĩ của Phật giáo. Nghi lễ này còn gọi là Ninenmairi. Ninen có nghĩa là 2 năm còn Mairi có nghĩa là đi để cầu nguyện, ở khắp Nhật Bản, các đền thờ Shinto chuẩn bị amazake (một loại rượu truyền thống nhẹ, có vị ngọt) để phát cho các đám đông vào lúc nửa đêm. Các đài truyền hình sẽ phát sóng những sự kiện này và phát các chương trình ca nhạc, hài kịch…
Vào năm mới, người Nhật sẽ đi lễ chùa, cầu mong thần phù hộ cho năm mới an khang, vô sự và trước khi ra về sẽ rút quẻ (Omikuji). Nội dung của quẻ dù đó là lành hay hung đều sẽ được xem như đó là lời khuyên hay bài học. Với quẻ lành họ sẽ mang về còn nếu là quẻ hung họ sẽ buộc lên cành cây như một lời hứa với các vị thần. Chuyến viếng thăm đầu tiên trong năm của gia đình hay cá nhân không đi lễ chùa vào thời điểm giao thừa nhưng đi lễ vào những ngày tiếp theo trong dịp Tết được gọi là Hatsumode.
6. Ngày 1/1 – Gantan
Ngày bắt đầu năm mới của Nhật là ngày 1/1 còn gọi là “Gantan”. Từ ngày 1 đến ngày 3 được gọi là “San ga Nichi” và là ngày nghỉ Tết của nhiều công ty, cửa hàng. Mỗi địa phương sẽ có thời gian kéo dài ngày Tết khác nhau còn được gọi là “Matsu no Uchi”. Như ở những vùng gần Tokyo kéo dài đến ngày 7/1 còn những vùng gần Osaka kéo dài đến ngày 15/1. Vật trang trí ngày Tết sẽ được tháo xuống vào ngày cuối cùng của Matsu no Uchi.
7. Akemashite omedetou gozaimasu
Đây là câu chúc mừng năm mới trong tiếng Nhật. Vào ngày Gantan, người Nhật sẽ thong thả thưởng thức Osechi và Ozouni. Các gia đình làm lễ đón mừng năm mới với rượu mừng năm mới trừ tà khí trong năm đó và để kéo dài tuổi thọ, tiếp đến món canh bánh dày Ozouni và món canh sử dụng tất cả các nguyên liệu củ cải, khoai và bánh dày (Omochi)…những thứ được bày cúng trên bàn thờ tổ tiên trong đêm giao thừa.
8. Hatsumode
Đây được coi là chuyến viếng thăm Thần điện đầu tiên trong một năm để cầu mong sự bình an và hạnh phúc trong năm đó. Vào dịp này Thần điện rất đông đúc, đặc biệt là những Thần điện nổi tiếng ở Asakusa hay Kyoto, có người khởi hành từ tối hôm 31 đến viếng nhưng cũng có những người đến vào khoảng trưa chiều ngày 1. Đồng 5 yên được chọn là tiền dâng hương vì có phát âm là “Go en”, đồng âm với chữ “Duyên” hay “May mắn”.
9. Otoshidama
Đây là tiền lì xì mà người lớn hay cho trẻ nhỏ. Tiền lì xì được đựng trong Pochibukuro – phong bao lì xì dễ thương với nhiều hoạ tiết và nhân vật hoạt hình.
10. Hatsuyume
Những điều bạn mơ thấy trong Hatsuyume – đêm ngày Gantan đến sáng ngày 2 được cho là điềm báo trước lành hoặc dữ trong một năm. Nếu được mơ thấy “Ichi Fuji Ni Taka San Nasubi” – “Nhất Phú Sĩ – Nhì đại bàng – Ba cà tím” thì bạn sẽ gặp may mắn cả năm. Núi Phú Sĩ trong tiếng Nhật đồng âm với từ “Trường thọ”, đại bàng sẽ là “Thành công” còn cà tím là “Con cháu đầy đàn”.
11. Kagamibiraki
Việc thưởng thức Kagamimochi – dùng bánh dày mời Thần linh, sau khi vị Thần đi khỏi gọi là “Kagamibiraki”. Ngày 11/1 là ngày phổ biến nhất của mỗi địa phương là Kagamibiraki. Mọi người thường dùng chày gỗ để đập nhỏ bánh dày thay vì những vật nhọn mà Thần linh rất ghét, rồi cho món súp Ozouni hay Shiruko – món chè đậu đỏ ăn kèm bánh dày.
12. Bán hàng giá rẻ nhân dịp đầu năm
Sang ngày 2/1, rất nhiều các siêu thị và cửa hàng bách hoá trên khắp nước Nhật mở cửa trở lại để phục vụ khách hàng. Những chiếc túi bên ngoài in chữ “Fukubukuro” để đựng các mặt hàng và được bán với giá rẻ bất ngờ nên nhiều người xếp hàng từ sớm.
13. Nanakusagayu
Từ thời xa xưa, con người xứ phù tang đã có thói quen ăn Nanakusagayu vào ngày 7 tháng 1, với hy vọng sẽ có sức khỏe tốt trong năm. Nanakusagayu là cháo được nấu từ gạo với 7 loại thảo mộc: Seri, nazuna, gogyo, hakobera, hotokenoza, suzuna, suzushiro...
Đây không phải là một món cháo cầu kì và phức tạp quá trong cách chế biến nhưng lại mang trong mình một ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Nhật Bản. Món cháo này được ăn vào ngày 7/1 hằng năm vì vào thời điểm này, rất ít rau có thể mọc được, nên 7 loại rau non này đã mang đến màu sắc cho bàn ăn và việc thưởng thức chúng vào dịp năm mới rất được lòng thần linh. Bảy loại rau bao gồm : 芹: せり seri: một loại rau cần ta, 薺: なずな nazuna: cây rau tề, 御形: ごぎょう gogyō: một loại cải cúc, 繁縷: はこべら hakobera: một loại thuộc họ cây tinh thảo, 仏の座: ほとけのざ hotokenoza: một loại cải cúc, 菘: すずな suzuna: củ cải tròn, 蘿: すずしろ suzushiro: củ cải (Raphanus sativus).
14. Seijin no hi
Ngày Lễ thành nhân Seijin no hi diễn ra vào ngày thứ hai tuần thứ hai của tháng 1, ngày này là ngày chúc mừng các nam, nữ thanh niên Nhật tròn 20 tuổi trong năm đó. Ngày này được tổ chức tại các ngôi đền nổi tiếng của mỗi địa phương nơi các thanh niên sinh sống.